Trong cuộc đời làm biên tập và viết văn của Nguyễn Gia Nùng có một may mắn không dễ gì có được, đó là được làm biên tập bản thảo mấy cuốn sách được Bác Hồ trực tiếp đọc, cho ý kiến trước khi đưa in. Chuyện khởi đầu từ năm 1965. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Chủ tịch Tổng công đoàn lúc ấy lên trực tiếp lên báo cáo với Bác xin được ra một tập sách nói về tình cảm của giai cấp công nhân cùng những người lao động cả nước với Bác, mãi đến đầu tháng 3 năm 1965, Bác mới đồng ý nhưng dặn đồng chí Hoàng Quốc Việt là sách chỉ nên ra mỏng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt rất mừng, liền giao cho Nhà xuất bản Lao động, cơ quan xuất bản của Tổng công đoàn, triển khai ngay công việc làm sách. Nguyễn Gia Nùng và mấy cán bộ biên tập chủ chốt khác được đồng chí Hoàng Quốc Việt gọi lên trực tiếp giao nhiệm vụ. Ai cũng phấn khởi vui mừng, nhưng cũng lo lắng thấy đây là một trách nhiệm rất nặng nề mà thời gian quá gấp, yêu cầu lại rất lớn. Nhất là khi nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt nói lại ý của Bác là muốn đọc bản thảo trước khi in. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người viết khắp nơi, những cố gắng cao độ không kể ngày đêm của những người làm sách, của cán bộ, công nhân nhà in, một kỷ lục làm sách chưa từng có đến lúc ấy đã ra đời. Kể từ ngày bắt đầu tổ chức bản thảo biên tập duyệt tới khi sách in xong chỉ 45 ngày! Tập sách dày hơn 200 trang, có ảnh phụ bản, thuộc loại sách đẹp ngày ấy. Nhưng niềm vui và bài học sâu sắc nhất của Nguyễn Gia Nùng cùng những người biên tập sách chính là những ý kiến cụ thể của Bác với tập bản thảo. Bác đã đánh dấu để lại không ít bài, ghi ý kiến cụ thể bằng bút bi đỏ bên lề nhiều trang bản thảo đề nghị xem lại nội dung, tính chính xác của tư liệu và cả cách dùng chữ nghĩa, lỗi văn phạm, cách viết… Bác khen cố gắng của những người làm sách nhưng trách “Các chú tham, sách dày!”. Đây quả là những bài học quý vô giá với những người làm công tác biên tập và viết văn. Sau bộ sách quý này, năm 1968 Nguyễn Gia Nùng còn được làm sách Người tốt việc tốt cùng với các cán bộ biên tập của 6 nhà xuất bản ở trung ương mà bản thảo trước khi đưa in cũng được Bác trực tiếp nghe, đọc và cho ý kiến. Hơn 40 năm qua, Nguyễn Gia Nùng đã có tới hơn 100 bài viết về Bác được giới thiệu trên các sách, báo của trung ương và địa phương. Sách Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh với 46 bài viết là chọn lọc trong những bài viết đó. Từ những kỉ niệm, bài học của người làm biên tập, viết báo, viết văn, với Bác, Nguyễn Gia Nùng còn ghi lại nhiều câu chuyện và tư liệu quý giá như chuyện Luật sư Loseby và vợ kể lại vụ án Hương Cảng khi ông bà sang thăm Việt Nam dịp Tết Canh Tý – 1960, theo lời mời của Bác Hồ; chuyện Bác Hồ trồng cây ở Liên Xô và nhiều nơi trên đất nước ta; chuyện Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với nhà báo và đi thăm nhiều địa phương... Năm 2008, Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh được chọn là một trong 10 tác phẩm văn học – nghệ thuật xuất sắc được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Trung ương tặng thưởng nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Bác (19/5/2009).