Là lãnh tụ thiên tài, là nhà ngoại giao kiệt xuất sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Bác đã chỉ đạo công tác ngoại giao nước nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa Việt Nam, bằng kho tàng tri thức đồ sộ Đông-Tây, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm vô cùng phong phú qua hàng chục năm bôn ba hoạt động cách mạng, Bác đã để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại một tư tưởng ngoại giao đặc sắc - Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.
Bác Hồ đã nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao tất cả 3 lần, lần thứ nhất ngày 06/3/1962, lần thứ hai ngày 14/01/1964, và lần cuối cùng ngày 16/3/1966, mỗi lần khoảng 90 phút.
Qua ba buổi nói chuyện trên đây của Bác Hồ, các cán bộ ngoại giao vừa được bồi dưỡng về mặt chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, vừa được học những kinh nghiệm và những bí quyết của nghề ngoại giao, mà nếu không có sự dạy bảo ân cần và tận tụy của Bác Hồ, chưa chắc ngoại giao Việt Nam có được nền tảng vững chắc như ngày hôm nay.
Thật vậy, ba buổi nói chuyện của Bác Hồ hợp thành một giáo trình logic đến kỳ lạ, gồm những chương mục nối tiếp nhau, nội dung cực kỳ phong phú được thể hiện dưới nhiều dạng sinh động, khi thì kể chuyện lý thú, khi thì vấn đáp hào hứng, khi thì phân tích phê phán nghiêm trang, nhưng lúc nào cũng với mục đích duy nhất là trang bị cho các học trò của mình kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, và cách tu luyện đạo đức bản thân.
Hơn ai hết, Bác Hồ biết rõ tình trạng “non yếu và trẻ trung” của thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do đó, Bác rất quan tâm dạy bảo họ, bắt đầu từ những điều sơ đẳng nhất, cơ bản nhất. Với tư cách là người trong cuộc, tác giả Mai Văn Bộ đã hồi tưởng lại những nội dung này qua tác phẩm Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ.